Tại sao phải đo điện trở đất, chúng ta đo điện trở tiếp địa để làm gì? Xin giới thiệu sơ lược thế nào là hệ thống nối đất chống sét, tiếp địa cho thiết bị và cách đo điện trở chống sét.
Trước hết ta cần xem xét hệ thống nối đất, tiếp địa là gì, chúng có tác dụng như thế nào?
Hệ thống tiếp địa thông thường bao gồm các cọc thép hoặc cọc thép bọc đồng (hoặc mạ đồng) được chôn hoặc đóng xuống đất. Chiều dài của cọc từ 1,2 – 2,5 m và có thể là thép góc hoặc thép tròn và chúng được liên kết với nhau thành hệ thống tiếp địa phù hợp với yêu cầu chống sét cho từng đối tượng cụ thể. Hiện nay chúng ta đang áp dụng tiêu chuẩn chống sét TCVN 9385:2012 “ Chống sét cho công trình xây dựng - Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống” và Quy phạm nối đất và nối không các thiết bị điện TCVN 4756:1989.
Các cọc này thường được dùng bằng thép góc, thép thông thường nếu như công trình tiếp địa, chống sét sử dụng tạm thời. Còn khi xác định công trình lâu dài ta nên sử dụng cọc đồng và liên kết các cọc này bằng các thanh đồng hoặc dây đồng để tăng tuổi thọ của hệ thống tiếp địa chống sét, tránh bị đứt rỉ và gây ra tác hại không mong muốn. Ngoài ra ta cũng có thể lắp thêm thiết bị đếm sét để xác định số lần năng lượng sét đã đi qua hệ thống chống sét của công trình.
Để kết nối các cọc đồng tiếp đất và dây đồng trần thoát sét, ta sử dụng các mối hàn hóa nhiệt. Mối hàn này đảm bảo dẫn dòng điện, ít bị bị lão hóa, bị ăn mòn theo thời gian.(Trong một số trường hợp ít quan trọng thì mối ghép này có thể dùng hàn hơi hoặc kẹp nối …)
Trong một số trường hợp, hệ thống tiếp địa được thi công theo thiết kế và có khi đã đóng bổ xung thêm một số cọc nhưng khi đo điện trở đất vẫn cho giá trị cao quá cao quy định. Như vậy, để đạt được điện trở đấy theo yêu cầu ta có thể sử dụng các loại hóa chất làm giảm trở kháng đất. Loại hoá chất này gồm hai thành phần trộn lẫn với nhau trong nước khi đổ lên vùng chôn các điện cực sẽ tạo nên một lớp keo hồ ( GEM ) đồng nhất. Chính vì thế nó không bị rửa trôi giống như muối tro và tồn tại trong đất nhiều năm. Hợp chất này tỏ ra đặc biệt thích hợp ở những vùng đất trung du, đồi núi của Việt Nam.
Hệ thống tiếp đất đảm bảo phải có:
+ Tổng trở bé:
- Điện trở tác dụng bé
- Dung kháng cao
- Cảm kháng thấp
+ Khả năng tản năng lượng sét tốt
+ Hướng tiên đạo sét tốt
+ Chống rỉ
+ Chống trộm
Tác dụng của nối đất là gì ?
- Tăng sự an toàn cho người
- Giảm thiểu hư hỏng và tăng tuổi thọ cho các thiết bị được tiếp đất
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng thì giá trị điện trở đất có thể tăng lên so với giá trị cho phép (do một số nguyên nhân như mất liên kết giữa các cọc tiếp địa, lượng hóa chất làm giảm trở kháng đất hết tác dụng …). Để biết được hiện trạng như thế nào chúng ta nên đo điện trở đất sau mỗi 12 tháng.
GIỚI THIỆU VỀ CÁCH ĐO ĐIỆN TRỞ ĐẤT (ĐIỆN TRỞ TIẾP ĐỊA)
Sử dụng máy (thiết bị) đo, kiểm tra điện trở nối đất Kyoritsu 4102A 3 cực và loại máy kẹp dạng như Ampe kìm được sử dụng phổ biến
Bước 1: Kiểm tra điện áp PIN
Bật công tắc tới vị trí “BATT. CHECH” và ấn nút “PRESS TO TEST” để kiểm tra điện áp Pin.
Để máy hoạt động chính xác thì kim trên đồng hồ phải chỉ ở vị trí “BATT. GOOD”
Bước 2: Đấu nối các dây nối.
Cắm 2 cọc bổ trợ như sau: Cọc 1 cách điểm đo 5~10m, cọc 2 cách cọc 1 từ 5~10m.
Dây màu xanh (Green) dài 5m kẹp vào điểm đo.
Dây màu vàng (Yellow) dài 10m, dây màu đỏ(red) dài 20m kẹp vào cọc 1 và cọc 2 sao cho phù hợp với chiều dài của dây.
Bước 3: Kiểm tra điện áp của tổ đất cần kiểm tra
Bật công tắc tới vị trí “EARTH VOLTAGE” và ấn nút “PRESS TO TEST” để kiểm tra điện áp đất.
Để kết quả đo được chính xác thì điện áp đất không được lớn hơn 10V.
Bước 4: Kiểm tra điện trở đất.
Đầu tiên ta bật công tắc tới vị trí x100Ω để kiểm tra điện trở đất.
Nếu điện trở quá cao (>1200Ω) thì đèn OK sẽ không sáng, khi đó ta cần kiểm tra lại các đầu đấu nối.
Nếu điện trở nhỏ thì ta bật công tắc tới vị trí x10Ω hoặc x1Ω sao cho phù hợp để có thể dễ đọc được trị số điện trở trên đồng hồ.
Liên hệ tại đây để được hỗ trợ .