Nồi hơi (Lò hơi) công nghiệp là thiết bị sản xuất ra hơi nước cung cấp cho các thiết bị máy móc khác, hoặc, loại lò hơi đơn giản, thì cung cấp hơi trực tiếp phục vụ đời sống con người.
Nguyên lý chung của lò hơi công nghiệp là sử dụng nhiên liệu để đun sôi nước, tùy theo cấu tạo của loại lò hơi mà nhiên liệu có thể là: rắn (như củi, than, gỗ...), lỏng (như dầu...), hoặc khí (như gas).
Cấu tạo đơn giản nhất của lò hơi gồm có hai balông nước (bao nước), một ở phía trên, một ở phía dưới, có hai dàn ống, một dàn nằm trong buồng đốt để được đốt nóng tạo hỗn hợp hơi và nước sôi chuyển động lên balông trên (còn gọi là balông hơi), một dàn nằm phia ngoài vách lò đưa nước đã tách hơi đi xuống balông dưới (còn gọi là balông nước). Việc tuần hoàn hỗn hợp nước sôi và hơi nước đi lên balông trên để tách hơi, và nước từ balông trên chuyển xuống balông dưới có thể là tuần hoàn tự nhiên, cũng có thể là tuần hoàn cưỡng bức: phải dùng bơm chuyên dụng. Balông trên là nơi tách hơi ra khỏi hỗn hợp hơi-nước, phần hơi ra khỏi bao hơi (balông hơi) được đưa đến bộ quá nhiệt là các dàn ống xoắn ruột gà (hoặc cấu tạo khác) đặt ngang hoặc dọc trên đỉnh lò để tận dụng nhiệt của khói lò, tại đây hơi nhận thêm một lượng nhiệt thành hơi quá nhiệt ( hơi khô ), hơi này có áp suất và nhiệt độ cao được đưa đi sử dụng cho các thiết bị sử dụng sức nóng của hơi hoặc động cơ hơi nước, turbine hơi nước... Tùy theo nhu cầu sử dụng mà người ta tạo ra nguồn hơi quá nhiệt có nhiệt độ và áp suất rất cao để đáp ứng cho các loại máy móc đặc chủng. Để vận chuyển nguồn năng lượng có nhiệt độ và áp suất rất cao này người ta dùng các ống chịu được nhiệt, chịu được áp suất cao.
Lò hơi được sử dụng rất nhiều trong công nghiệp như tạo ra hơi để vận hành nồi hấp, ủi quần áo, hấp sấy sản phẩm, vận hành đầu máy xe lửa hơi nước, vận hành turbine máy phát điện...
Và điều đặc biệt của lò hơi mà không thiết bị nào thay thế được là tạo ra nguồn năng lượng an toàn không gây cháy để vận hành các thiết bị hoặc động cơ ở nơi cần cấm lửa và cấm nguồn điện (như các kho xăng, dầu)...
Nhưng do nồi hơi làm việc ở áp suất và nhiệt độ cao nên mức độ nguy hiểm của nồi hơi là rất lớn nếu như nồi hơi không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật do thiết kế, chế tạo và vận hành. Do đó trong danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì nồi hơi là thiết bị nguy hiểm nhất. Việc kiểm định kỹ thuận an toàn nồi hơi là rất cần thiết để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành và sử dụng. Kiểm định nồi hơi phải do những kiểm định viên có chuyên môn và kinh nghiệm và phải thực hiện đúng theo quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn nồi hơi.
Việc kiểm định kỹ thuật thiết bị phải được thực hiện trong những trường hợp sau
- Sau khi lắp đặt, trước khi đưa vào sử dụng;
- Sau khi tiến hành cải tạo, sửa chữa lớn;
- Sau khi thiết bị xẩy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng và đã khắc phục xong;
- Hết hạn kiểm định hoặc trước thời hạn theo đề nghị của cơ sở quản lý, sử dụng thiết bị nâng;
- Theo yêu cầu của cơ quan thanh tra nhà nước về lao động.
Thời hạn kiểm định định kỳ nồi hơi là do kiểm định viên trực tiếp kiểm định quyết định nhưng tối đa là 02 năm một lần.
Cách tính phí và biểu phí kiểm định nồi hơi phụ thuộc vào khả năng sinh hơi (công suất) của thiết bị.
Tài liệu tham khảo:
Quy trình kiểm định nồi hơi
Một số tiêu chuẩn về nồi hơi:
- TCVN 7704:2007: Nồi hơi - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về thiết kế, kết cấu, chế tạo, lắp đặt, sử dụng và sửa chữa.
- TCVN 6008:1995: Thiết bị áp lực - Mối hàn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra.
- TCVN 6413:1998 (ISO 5730:1992), Nồi hơi cố định ống lò ống lửa cấu tạo hàn (trừ nồi hơi ống nước)
- QCVN 01-2008/BLĐTBXH: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực.